Sức mạnh truyền thông rộng lớn của tập đoàn Alibaba đã gây ra phản ứng dữ dội từ phía các cơ quan quản lý Trung Quốc.

234

Những ý tưởng tự do, tiên phong của người sáng lập Alibaba Jack Ma giờ đây đang bị chính quyền Bắc Kinh coi là gây rối

Khoản tiền phạt kỷ lục 2,8 tỉ USD tưởng rằng đã đủ để Alibaba Group không còn gặp thêm vấn đề khó khăn nào trong cuộc “đàn áp” chống độc quyền ở Trung Quốc. Nhưng Bắc Kinh dường như chưa hoàn toàn buông tha hãng thương mại điện tử lớn nhất nước, vì tài sản truyền thông rộng lớn của Alibaba vẫn là cái gai gây khó chịu cho chính quyền.

Không chỉ nổi tiếng là nền tảng mua sắm trực tuyến, Alibaba còn sớm xây dựng một đế chế truyền thông bao gồm báo chí, phương tiện truyền thông kỹ thuật số và phát sóng, nền tảng mạng xã hội, trang mạng truyền phát video trực tiếp, công ty sản xuất phim và các công ty dịch vụ truyền thông quảng cáo. Đối với Alibaba, những nền tảng truyền thông này là công cụ hiệu quả giúp thúc đẩy người dùng hướng tới các doanh nghiệp khác của mình, đặc biệt vào thời điểm các hãng công nghệ lớn đang cạnh tranh để xây dựng hệ sinh thái rộng lớn, từ thương mại điện tử cho đến giải trí.

Tuy nhiên, sức ảnh hưởng ngày càng tăng của truyền thông tư nhân trong việc tạo và phân phối nội dung, một quá trình vốn được Trung Quốc giám sát chặt chẽ, đang ngày càng khiến các nhà chức trách lo ngại. Trong đó, đế chế truyền thông của Jack Ma là đối tượng gây lo lắng đặc biệt cho Bắc Kinh. Trong suốt sự nghiệp của mình, người đàn ông 56 tuổi thường thách thức cơ sở quy định truyền thống bằng tầm nhìn tiên phong về tương lai. Nhưng khi Bắc Kinh chuyển sang kiềm chế quyền lực của các tập đoàn công nghệ lớn trong nước, thì những ý tưởng tự do của người sáng lập Alibaba lại bị coi là gây rối.

Wall Street Journal dẫn các nguồn thạo tin cho biết, sau vụ đình chỉ IPO trị giá 37 tỉ USD của Ant Group, một chi nhánh công nghệ tài chính của Alibaba, vào cuối năm ngoái, Bắc Kinh cũng yêu cầu Alibaba từ bỏ cổ phần trong các tài sản truyền thông. Cụ thể, Alibaba sở hữu tờ báo South China Morning Post có trụ sở tại Hồng Kông, nền tảng phát trực tuyến video Youku và 30% thị phần của trang mạng xã hội Weibo. Ngoài ra, cùng với các chi nhánh của mình, Alibaba còn đầu tư vào Bilibili được ví như phiên bản YouTube của Trung Quốc, tập đoàn tin tức Yicai Media Group, trang tin tức kỹ thuật số 36Kr và Huxiu.com, công ty quảng cáo ngoại tuyến lớn nhất đại lục Focus Media.

“Công bằng mà nói, quyền kiểm soát của Alibaba đối với thông tin, phương tiện truyền thông và dữ liệu cá nhân ở Trung Quốc đã vượt xa phạm vi của những gã khổng lồ công nghệ ở các quốc gia khác”, Zhu Ning, Giáo sư tài chính kiêm Phó trưởng khoa tại Học viện Tài chính Cao cấp Thượng Hải nhận xét.

Theo Nikkei, ảnh hưởng của Alibaba đối với dư luận trong hai vụ việc gần đây được cho là yếu tố góp phần vào sự thay đổi mạnh mẽ thái độ của chính phủ. Tháng 12.2021, trang tin Huxiu.com được Ant Group hậu thuẫn đã nhắm vào các quy định chống độc quyền của Bắc Kinh trong một bài xã luận, cảnh báo về một cuộc đàn áp mới có thể kìm hãm sự phát triển của các công ty internet và làm tổn hại đến khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Trung Quốc. Bài báo với giọng điệu ủng hộ Alibaba, được xuất bản sau khi cơ quan quản lý thị trường mở cuộc điều tra đối với Alibaba, đã bị xóa khỏi trang web của Huxiu ngay sau đó. Hiuxiu bị cấm tải lên nội dung mới trong một tháng, với thông báo đến người dùng rằng sẽ “chuyển sang chế độ bảo trì”. Chỉ 4 tháng sau bài báo gây tranh cãi này, Alibaba nhận về án phạt kỷ lục 2,8 tỉ USD.

Một vụ việc khác liên quan đến Weibo, nền tảng truyền thông xã hội coi Alibaba là cổ đông lớn thứ hai và là khách hàng quảng cáo lớn nhất. Weibo bị phát hiện đã xóa các bài đăng, đóng bình luận và gỡ bỏ các chủ đề tìm kiếm về tin đồn liên quan đến một giám đốc điều hành cấp cao của Alibaba vào năm ngoái. Nói về vụ việc, Nhân dân Nhật báo (People’s Daily), cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, đã chỉ trích đó là cách tiếp cận “thô thiển và đơn giản hóa quá mức”.

Theo ông Zhu Ning, những gì xảy ra trên Weibo “cho thấy Alibaba với tư cách là một công ty tư nhân đã lọc và kiểm soát thông tin hiệu quả như thế nào”. Ông cũng lưu ý rằng việc Twitter và Facebook chặn tài khoản của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump khỏi các nền tảng của họ đã gióng lên hồi chuông cảnh báo cho Bắc Kinh. “Sức mạnh mà các công ty internet thể hiện trong việc ảnh hưởng đến hoạch định chính sách và phân phối thông tin đã vượt quá những gì một chính phủ có thể chấp nhận”, ông Zhu Ning nói. Các nhà quản lý cũng lo ngại việc nắm giữ phương tiện truyền thông của Alibaba sẽ củng cố một cách không cân xứng sự thống trị của công ty trong nhiều lĩnh vực bên ngoài thương mại điện tử và dịch vụ tài chính trực tuyến.

Song, trong khi tài sản truyền thông dường như không phù hợp với nhóm thương mại điện tử, các nhà phân tích lại cho rằng các khoản đầu tư này có ý nghĩa rất lớn đối với Alibaba. So với các đối thủ Tencent Holdings và ByteDance, Alibaba thiếu nền tảng truyền thông tự phát triển mạnh mẽ để thu hút và giữ chân người dùng. “Một hệ sinh thái thiếu nền tảng truyền thông sẽ gặp bất lợi trong cạnh tranh. Nhìn vào các đối thủ của mình, Alibaba nhận ra lợi ích của việc có nguồn lực truyền thông”, Martin Bao, nhà phân tích tại ICBC International tại Thượng Hải, nói.

Danh mục phương tiện truyền thông lớn hơn cũng giúp tăng doanh thu quảng cáo. “Quảng cáo là hoạt động kinh doanh cốt lõi quan trọng đối với các nhóm internet và mang lại nguồn doanh thu ổn định”, ông Bao nói thêm. Mặc dù Alibaba không tiết lộ riêng doanh thu quảng cáo trong báo cáo tài chính, nhưng Giám đốc tài chính Meggie Wu nói với các nhà đầu tư vào năm 2017 rằng 60% doanh thu của công ty đến từ nền tảng quảng cáo.

Leo Sun, chuyên gia công nghệ có trụ sở tại Đài Bắc The Motley Fool, cho biết việc đầu tư vào truyền thông của Alibaba “chủ yếu mở rộng hệ sinh thái bằng mọi giá để ngăn chặn các công ty khác như Tencent và Baidu thống trị không gian mạng”. Các đối thủ của Alibaba cũng đã đầu tư đáng kể vào phương tiện truyền thông. Nhưng Leo Sun tin rằng những ông lớn như Tencent, Baidu và ByteDance có thể ít bị chính phủ giám sát như Alibaba, bởi vì đầu tư truyền thông của họ vẫn liên quan đến lĩnh vực kinh doanh cốt lõi và “không rộng như Alibaba”. Họ cũng dễ dàng đáp ứng yêu cầu của các cơ quan quản lý hơn, và hiếm khi thách thức chính sách của chính phủ như cách Alibaba đã làm.

“Chính phủ Trung Quốc coi mình là cơ quan duy nhất thực hiện độc quyền đối với sự chú ý của người dân. Chính phủ coi thường bất kỳ nỗ lực nào để cạnh tranh với họ. Thông điệp của Bắc Kinh gần đây rất rõ ràng: chính phủ mới là người quyết định những gì mọi người nên chú ý, không phải các tập đoàn tư nhân”, Fang Kecheng, trợ lý giáo sư chuyên ngành báo chí tại Đại học Trung văn Hồng Kông, nói.